Tư vấn

Đeo khẩu trang đúng cách

Khẩu trang y tế là vật dụng được nhiều người sử dụng hằng ngày để tránh bụi bẩn, phòng vi khuẩn, bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, khẩu trang y tế chỉ phát huy tác dụng phòng chống hiệu quả nếu được dùng và đeo đúng cách. Đeo khẩu trang y tế sai cách có thể làm mất đi tác dụng bảo vệ và gây hại cho sức khỏe người sử dụng. Vậy thế nào là đeo khẩu trang y tế đúng cách? Mời bạn cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết này.

Chọn loại khẩu trang y tế đạt tiêu chuẩn

Sự khác biệt của các loại khẩu trang chính là lớp “Hiệu suất lọc khuẩn” – Bacterial Filtration Efficiency (BFE). Tùy vào từng trường hợp để sử dụng hiệu quả những loại khẩu trang khác nhau, ví dụ như:

Khẩu trang Khánh An – Sự lựa chọn hàng đầu hiện nay

Khi tiếp xúc với bệnh nhân cúm, sởi, SARS… cần sử dụng khẩu trang N95 để tăng khả năng phòng bệnh.

Nếu ở nơi nhiều bụi vô cơ như khi tham gia giao thông trên đường phố thì có thể dùng khẩu trang vải loại có 3 lớp, hình phễu ôm kín miệng, mũi.

Nếu tới nơi nhiều khí độc hại như hóa chất bay hơi… thì tốt nhất nên dùng khẩu trang than hoạt tính.

Virus corona COVID19 có kích thước khoảng 150 – 200 nanomet chủ yếu cư trú trong giọt nước bọt lớn. Do đó, khẩu trang y tế từ 3 lớp có khả năng lọc các hạt kích thước trên 5000 nanomet đủ khả năng phòng tránh viêm phổi do virus corona COVID19 gây ra.

Chọn loại khẩu trang y tế đạt tiêu chuẩn bảo vệ sức khỏe

Khẩu trang y tế hợp chuẩn là loại còn hạn sử dụng, có đầy đủ xuất xứ và ít nhất có 3 lớp bảo vệ:

Lớp ngoài có tính chống thấm nước để ngăn cản một cách hiệu quả các giọt bắn ra khi hắt-xì, ho, thở mạnh…

Lớp giữa có khả năng ngăn các giọt bắn và lọc được bụi, vi khuẩn. Một lớp lọc đạt tiêu chuẩn phải để không khí dễ đi qua, tạo sự thoáng khí cho người dùng, lại phải có kết cấu đảm bảo lọc được những hạt bụi, vi khuẩn kích thước cực nhỏ.

Lớp trong cùng mặt vải phải tinh khiết, mịn màng, không xơ sợi hay xù lông sẽ gây cảm giác khó chịu. Mặt khác, cũng phải có tính thấm nước để hút mồ hôi tạo sự thoải mái cho người sử dụng.

Đeo khẩu trang y tế đúng cách sẽ ngăn chặn hiệu quả các giọt bắn mang virus mầm bệnh văng ra khi người bệnh hắt xì, ho… Việc này tưởng chừng đơn giản mà chưa chắc ai cũng biết cách đeo khẩu trang y tế chuẩn 100%. Đeo khẩu trang y tế đúng cách cần chú ý các nguyên tắc sau:

Đeo khẩu trang y tế đúng mặt

Khẩu trang y tế thường có 2 mặt, bạn cần chọn đúng mặt khi đeo để đảm bảo hiệu quả bảo vệ cao nhất. Nếu đeo sai mặt, không chỉ gây khó chịu trong quá trình đeo mà bụi bẩn, vi khuẩn cũng dễ lọt vào bên trong.

Vậy đeo khẩu trang y tế mặt nào? Đeo khẩu trang y tế đúng mặt là để mặt trong của khẩu trang tiếp xúc với da mặt của bạn. Để phân biệt mặt trong và mặt ngoài của khẩu trang thì khẩu trang thông thường mặt ngoài thường có màu đậm, còn mặt trong sẽ có màu sắc nhạt hơn và có độ phẳng hơn.

Khi đeo khẩu trang đúng cách phải để mặt màu đậm ra ngoài để chống nước, tránh thấm các giọt bắn vào trong. Mặt màu trắng quay vào trong để hút ẩm, giúp hơi thở thoát ra thấm vào khẩu trang.

Đeo khẩu trang y tế đúng chiều

Để đeo khẩu trang y tế đúng chiều, bạn cần chú ý là đa số khẩu trang y tế 3 lớp có sợi kim loại nhỏ được cố định ở phía trên của mũi, có thể điều chỉnh độ cong linh hoạt. Phía dưới của khẩu trang y tế thì thường có đường dập liền, không có dây kim loại như phía trên.

Khẩu trang y tế chuẩn sẽ có sọc ở giữa khẩu trang và đeo khẩu trang y tế đúng cách là phải đeo vào giữa theo chiều hướng xuống. Những thiết kế kẻ sọc này không phải để cho đẹp mắt, mà nhằm mục đích cho virus, vi khuẩn có chiều rơi xuống đất thay vì bám lại trên khẩu trang.

Các bước đeo khẩu trang đúng

Sử dụng hai đầu ngón tay của mỗi bàn tay đồng thời lồng hai dây đeo khẩu trang vào hai tai hoặc từng bên tai một.

Chỉnh cho khẩu trang thật cân đối.

Sử dụng một tay giữ phần cạnh trên khẩu trang cố định cách mắt khoảng 1cm và kéo nhẹ phần dưới giãn ra sao cho phủ xuống dưới cằm để khẩu trang che khít hoàn toàn khu vực cằm, miệng, mũi.

Sử dụng tiếp ngón cái và ngón trỏ bóp nhẹ dây kim loại nhỏ ở mặt trên khẩu trang y tế ép sát theo hình dạng mũi, sao cho ôm sát vào sống mũi, giữ kín cho vị trí tiếp xúc của khẩu trang với sống mũi để làm tạo độ kín giữa mũi với khẩu trang.

Tháo bỏ đúng cách

Tuyệt đối không dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra, bởi hành động chạm tay vào mặt ngoài khẩu trang y tế đã sử dụng sẽ gây lây nhiễm virus và các tác nhân gây bệnh khác lên bàn tay.

Khi tháo khẩu trang y tế chỉ được cầm vào dây đeo qua tai, tháo ra cho vào thùng rác an toàn, có nắp đậy. Đừng quên rửa sạch tay với xà phòng và nước sạch ngay sau khi vứt bỏ khẩu trang.

Những lưu ý cần biết

Cần mang khẩu trang vừa vặn, không quá rộng cũng không quá chật, có thể che kín được cả miệng và mũi nhưng vẫn đảm bảo bạn hít thở dễ dàng, tai không bị đau, trầy da.

Khi đeo khẩu trang y tế đúng cách không được dùng tay chạm vào mũi, miệng bên dưới lớp vải để gãi ngứa, nghe điện thoại, ăn uống… sẽ tạo nguy cơ mang theo các virus bám trên tay đi vào cơ thể.

Chú ý không nên đeo khẩu trang chỉ che miệng hoặc che trên mũi hay thỉnh thoảng kéo xuống cằm rồi lại sử dụng.

Tuyệt đối không sờ tay vào khẩu trang đang mang hoặc chỉnh sửa khẩu trang sẽ vô tình làm lây nhiễm virus và các tác nhân gây bệnh khác sang tay.

Không nên cho khẩu trang y tế vào túi quần, áo, túi xách, các túi đựng này có thể làm khẩu trang bị bẩn, nhiễm vi khuẩn gây hại cho sức khỏe của bạn khi đeo.

Khi đeo khẩu trang y tế dùng hằng ngày, cần lưu ý tốt nhất chỉ dùng 1 lần/ngày, không nên tái sử dụng nhiều lần. Nếu có tái dùng khẩu trang than hoạt tính thì nên hạn chế việc giặt giũ, lớp than hoạt tính sẽ giảm tác dụng cực nhanh sau các lần giặt.

Trên đây là những giải đáp liên quan tới việc tìm hiểu về cách đeo khẩu trang y tế đúng chuẩn mà mỗi cá nhân cần phải hiểu rõ để thực hiện ngăn chặn tối đa nguồn lây nhiễm bệnh dịch. Bạn đã đeo khẩu trang y tế đúng cách chưa? Nếu còn đeo khẩu trang y tế chưa đúng cách, hãy sửa ngay hôm nay nhé! Ngoài ra, để tăng hiệu quả phòng tránh bệnh, bạn chú ý rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn thường xuyên, tránh những chỗ tập trung đông người, hạn chế tiếp xúc với bề mặt dễ chứa nhiều vi khuẩn như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang…

Khánh An

Share:

Viết một bình luận